3 Tham luận của gv SIU được báo cáo tại Hội thảo Quốc gia cải cách tư pháp
Sáng 17/01/2021, tại Thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì hội thảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đồng chủ trì Hội thảo. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội và một số ban, bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học trong cả nước. Trong số các chuyên gia tham dự có ba giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU).
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan, tổ chức liên quan đã rất tích cực, chủ động triển khai việc xây dựng Đề án để trình Bộ Chính trị và Trung ương; trong đó xây dựng chiến lược cải cách tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án, là vấn đề có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 23 bản tham luận của các chuyên gia. Trong số 9 tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo có 3 tham luận của các giảng viên cơ hữu Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU):
– PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Trưởng Phòng Khoa học và HTQT, Trưởng Bộ môn Luật SIU, nguyên Ủy viên Chuyên trách – Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trình bày tham luận “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”;
– GS.TS. Phan Trung Lý, thành viên Hội đồng Khoa học & Đào tạo SIU, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày tham luận “Kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”;
– TS. Phạm Quý Tỵ, Chủ nhiệm Khoa Kinh doanh và Luật SIU, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày tham luận “Hoàn thiện thể chế về tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Tham luận của các chuyên gia đề cập nhiều vấn đề như tư tưởng Hồ Chí Minh về tư pháp, mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, mô hình lý luận về Chiến lược cải cách tư pháp mới và nhiều vấn đề cụ thể khác.
Phát biểu tóm lược những nội dung chính của Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, chất lượng rất đáng trân trọng của các nhà khoa học, những người đang họat động thực tiễn. Về cơ bản, Hội thảo thống nhất cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo; phải có quyết tâm chính trị cao để vượt qua thách thức, loại bỏ định kiến, rào cản nhận thức và tư tưởng cục bộ, kiên quyết, kiên trì cải cách vì một nền tư pháp công bằng, công lý, phục vụ Nhân dân. Đồng thời bày tỏ tin tưởng chắc chắn dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp mới trong thời gian tới sẽ tạo cho nền tư pháp Việt Nam có những chuyển biến tích cực, phát triển đúng hướng, phù hợp với xu thế thời đại, bảo vệ, bảo đảm tốt hơn công bằng, công lý, quyền con người, quyền công dân, chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần khẳng định bản chất thượng tôn pháp luật, phục vụ Nhân dân của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
GS.TS. Phan Trung Lý, Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) trình bày tham luận
PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) trình bày tham luận
TS. Phạm Quý Tỵ, Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) trình bày tham luận
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU)