Chatbot hỗ trợ đánh giá tình trạng sức khoẻ về tinh thần cho sinh viên trường Đại học Quốc tế Sài Gòn
Từ thực tế đến nghiên cứu
Hiện nay, rối loạn tâm thần là khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến 25% dân số thế giới tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời của họ. Các rối loạn tâm thần thường gặp nhất bao gồm trầm cảm, lo âu và stress. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2019, hơn 13% trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần. Trong số này, 86 triệu em trong thuộc nhóm 15-19 tuổi và 80 triệu em thuộc nhóm 10-14 tuổi. 89 triệu trẻ em trai vị thành niên từ 10-19 tuổi và 77 triệu trẻ em gái vị thành niên từ 10-19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần. Lo âu và trầm cảm chiếm khoảng 40% các rối loạn tâm thần được chẩn đoán, bên cạnh giảm chú ý/ rối loạn tăng động, rối loạn cư xử, thiểu năng trí tuệ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống, tự kỷ, tâm thần phân liệt và một nhóm các rối loạn nhân cách.
Theo nghiên cứu được Gallup tiến hành cho báo cáo Changing Childhood của UNICEF, trong nửa đầu năm 2021, khoảng 19% số người trong độ tuổi từ 15-24 ở 21 quốc gia báo cáo rằng họ thường cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì.
Với sinh viên, lứa tuổi bắt đầu có những thay đổi điều kiện sống, học tập, thay đổi môi trường giao tiếp, môi trường xã hội, … kết hợp với đặc điểm tâm lý như bồng bột, thiếu kinh nghiệm thì nguy cơ bị trầm cảm, lo âu và stress ở nhóm đối tượng này lại càng cao hơn.
Những con số về tình trạng sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của sinh viên tại Việt Nam đã làm nổi bật một vấn đề nghiêm trọng đối với giới trẻ trong xã hội hiện nay. Tỷ lệ cao của các vấn đề như stress, mất ngủ, và các rối loạn tâm thần không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn tác động đến hiệu suất học tập và sự phát triển bản thân của sinh viên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc các vấn đề này không nhỏ, và điều này đòi hỏi sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng giáo dục và xã hội.
Tuy có những nỗ lực như việc thiết lập phòng tham vấn tâm lý cho sinh viên, song vẫn còn nhiều hạn chế cần được giải quyết. Tính bảo mật, nỗi sợ bị phán xét, kỳ thị và định kiến có thể làm giảm hiệu quả của các dịch vụ hỗ trợ này.
Từ những điều đáng lo ngại và thách thức trên, việc nghiên cứu về vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của sinh viên trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.
Những thách thức về tâm lý và sức khoẻ tinh thần đang trở thành một trong những mối quan tâm lớn trong cộng đồng sinh viên. Đối mặt với áp lực học tập, cảm xúc, và sự thay đổi trong lối sống, áp lực định hướng nghề nghiệp, sự cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm của các sinh viên năm cuối, sinh viên thường xuyên phải đối mặt với vấn đề về tâm lý và sức khỏe tinh thần. Từ đó dẫn đến những nguy cơ tổn thương về sức khoẻ tinh thần rất cao. Việc tìm ra các phương pháp hiệu quả để đánh giá và hỗ trợ tình trạng sức khỏe tinh thần của sinh viên trở nên cấp thiết.
Vì vậy, đề tài “Xây dựng chatbot hỗ trợ đánh giá tình trạng sức khỏe về tinh thần cho sinh viên trường Đại học Tư thục Quốc tế Sài Gòn” được thực hiện với mong muốn mở ra một cách tiếp cận mới, bổ trợ cho cách tiếp cận thông thường trong việc hỗ trợ sinh viên tại trường Đại học Tư thục Quốc tế Sài Gòn (SIU) nói riêng và sinh viên tại Việt Nam nói chung. Qua đó góp phần hỗ trợ nâng cao nhận thức và hiểu biết của mọi người về tâm lý và sức khỏe tinh thần.
Tính ưu việt của đề tài
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nhận thấy rằng, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và sản phẩm chatbot tư vấn tâm lý nổi tiếng và thành công như Woebot, Wysa…Tuy nhiên, các sản phẩm này đều là sản phẩm thương mại nên việc sử dụng nó gặp phải vấn đề về mặt chi phí.
Đề tài “Xây dựng Chatbot hỗ trợ đánh giá tình trạng sức khỏe sinh viên Đại học Quốc tế Sài Gòn” mang tính tiên phong và độc đáo nhằm cung cấp một chatbot đánh giá về tâm lý và sức khỏe tinh thần. Đây là nghiên cứu đầu tiên tại SIU ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot vào hỗ trợ đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần cho đối tượng là sinh viên.
Với sự kết hợp giữa AI và các phương pháp tâm lý học hiện đại, đề tài cung cấp giải pháp hỗ trợ đánh giá sức khỏe tinh thần cho sinh viên, giúp sinh viên đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần hiện tại và đưa ra những khuyến nghị phù hợp.
Những ưu điểm nổi bật của đề tài là hoàn toàn miễn phí cho sinh viên, giúp giảm gánh nặng tài chính và tăng cường tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Chatbot tương tác tự nhiên và thân thiện, giúp sinh viên dễ dàng chia sẻ thông tin và nhận hỗ trợ kịp thời. Đảm bảo bảo mật và riêng tư, sinh viên yên tâm chia sẻ vấn đề sức khỏe mà không lo ngại rò rỉ thông tin. Đặc biệt, chatbot được thiết kế phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ của sinh viên Việt Nam, đáp ứng đúng nhu cầu và đặc điểm của sinh viên SIU.
Ứng dụng thực tiễn của đề tài
Trong lĩnh vực hỗ trợ tâm lý, chatbot có thể cung cấp hỗ trợ tâm lý kịp thời cho sinh viên gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống và các vấn đề cá nhân. Bằng cách đánh giá nhanh tình trạng sức khỏe tinh thần, chatbot có thể đề xuất các khuyến nghị phù hợp hoặc giới thiệu sinh viên đến các chuyên gia tâm lý nếu cần.
Chatbot có thể giúp sinh viên tự đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần tổng quát của mình thông qua các câu hỏi và bài kiểm tra ngắn. Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa, góp phần nâng cao sức khỏe toàn diện của sinh viên. Ngoài ra, Chatbot còn cung cấp thêm các thông tin giáo dục về lối sống lành mạnh, dinh dưỡng, thể chất và các kỹ năng quản lý stress. Điều này giúp sinh viên phát triển kỹ năng tự chăm sóc bản thân, góp phần vào sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.
Chatbot hỗ trợ đánh giá tình trạng sức khỏe sinh viên Đại học Quốc tế Sài Gòn mang tính ứng dụng cao với các ưu điểm nổi bật như tính tiên phong, miễn phí, tính tương tác cao, bảo mật và phù hợp với nhu cầu cá nhân, sản phẩm hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ hữu ích trong việc hỗ trợ đánh giá sức khỏe tinh thần cho sinh viên. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng các tính năng của chatbot, hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng sống và học tập của sinh viên SIU.
Đề tài đạt giải nhất trong cuộc thi “Nghiên cứu khoa học sinh viên lần 6” trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.